Đề nghị này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu khi góp ý dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo ông, chính sách ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư nhóm dự án này được quy định lần đầu tiên tại Luật Nhà ở 2023, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết.
Hiện, mới có gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây lại chung cư cũ. Tháng trước thêm một ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay này lên 125.000 tỷ. Theo đó, chủ đầu tư và người mua chung cư xây lại được vay với lãi suất thấp hơn lãi vay thương mại từ 1,5-2%, thời hạn lần lượt 3 và 5 năm. Mức này được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi.
Theo HoREA, gói 125.000 tỷ đồng khá phù hợp bởi chủ đầu tư và người mua nhà tại dự án cải tạo, xây lại chung cư đang phải vay với lãi suất rất cao, trên dưới 10% một năm. Vì thế, hiệp hội này đề xuất người mua nhà tại chung cư cũ xây lại được vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm với lãi suất cố định.
Đề nghị này xuất phát từ thực tế vướng mắc pháp lý nên nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến không có sản phẩm nhà ở. Điều này khiến gói 125.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân cho chủ đầu tư hay người mua nào tại dự án cải tạo, xây lại chung cư.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với chủ đầu tư dự án xây dựng lại chung cư vào đề án sửa đổi Luật Thuế để đảm bảo đồng bộ với Luật Nhà ở 2023.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, giải ngân gói vay 125.000 tỷ đồng hiện khá thấp, mới đạt gần 700 tỷ. Để có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, ngoài tháo gỡ chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất cho vay tại gói tín dụng 125.000 tỷ đồng.
Cùng đó, cơ quan này được yêu cầu chỉ đạo các nhà băng nghiên cứu một gói tín dụng mới cho người mua với thời gian 10-15 năm, lãi suất thấp hơn 3-5% so với vay thương mại.
Theo vnexpress